Di tích nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê

Đọc bài viết 0:00

Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê là di tích lịch sử - văn hoá cấp Thành phố được công nhận tại Quyết định số 5834/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Di tích hiện toạ lạc tại K814/H83/24 đường Trần Cao Vân, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.



Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê còn gọi là Nhà tưởng niệm truyền thống nghề cá làng Thanh Khê hay Lăng tập linh vạn chài Thanh Khê. Đối tượng thờ phụng chính tại nhà thờ là các Âm linh (Cô Bác) tức ngư dân mắc nạn bỏ mình trên biển và những vong hồn chết vì các nạn nghiệp khác nhau.

Theo truyền khẩu, ngày 23 tháng 3 năm Quý Tỵ (1893) niên hiệu Thành Thái thứ 4, ngư dân làng chài Thanh Khê và Xuân Hà hành nghề chuồn đã gặp một cơn bão lớn tại Cù lao Ré (nay là huyện đảo Lý Sơn – tỉnh Quảng Ngãi) làm thiệt mạng và mất tích rất nhiều ngư dân.

 Để thể hiện niềm thương tiếc với các ngư dân xấu số và với tín ngưỡng thờ Cô hồn, Âm linh truyền thống, người dân vạn chài Thanh Khê đã quyên góp kinh phí để xây dựng nên Nhà thờ tập linh trên một gò đất cao trong làng (hiện trong nhà thờ còn 2 bia đá lập năm Duy Tân thứ 6-1912- ghi công những người đã đóng góp). Năm 1991, nhân dân trong làng đã quyên góp và xây dựng lại tại địa điểm cũ một nhà thờ mới khang trang. Năm 2019, di tích đã được Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Đà Nẵng thực hiện việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi nhằm xử lý tình trạng hư hỏng, xuống cấp.

Di tích “Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê” toạ lạc trên một gò đất thấp trong một khu vực dân cư đông đúc của phường Thanh Khê Đông, diện tích tổng thể của di tích là 811,3m2, nằm ở hướng tây tây bắc nhìn ra sông Phú Lộc. Đây là hướng phong thuỷ thường được chọn của các Sở Âm linh, Cô hồn theo quan niệm truyền thống “đông sinh, tây tử”, “đông cư, tây tập (mộ)”.

Di tích có các công trình kiến trúc chính là nhà chính điện, miếu Thổ thần, miếu thờ vọng Âm linh, nhà trù và mộ phần ngài Tiền hiền Hồ Quý Công.

(Nhà chính điện)

Nhà chính điện có kiểu thức kiến trúc “ba gian, hai chái”. Sau gian chính giữa có hậu tẩm, trước hai chái có giả lâu kiểu “lầu chiêng, gác trống”, phía trước là tiền đình (tiền đàn). Mặt bằng tổng thể của chính điện là 150m2 (kể cả hậu tẩm). Mái của chính điện khá đơn giản gồm hai mái trước sau có xà gồ, rui, mè bằng gỗ xà cừ, lợp ngói móc. Bộ phận chịu lực trực tiếp của mái là tường xây và 4 cột đội bằng bê tông cốt thép có đường kính 35cm. Bờ dải nóc mái đắp nổi sành sứ hình “lưỡng long triều nhật”. Hậu tẩm có một ban thờ xây bằng gạch là nơi thờ các vị Tiền hiền của làng vạn.Trên ban có ba chữ Hán “thượng niệm tiền” (đầy đủ phải là thượng niệm tiền hiền) có nghĩa là “tưởng niệm các vị tiền hiền”. Phía trước hậu tẩm là ban thờ “Hội đồng” thờ chung tất cả những Âm linh, cô hồn chết vì nhiều nghiệp nạn khác nhau. Gian bên tả và bên hữu của chính điện có hai ban thờ phụng thờ những Cô Bác chết vì nghiệp biển và các Chiến sỹ trận vong. Ban bên phải có hai chữ Hán “Hữu mệnh” (có mệnh), ban bên trái là hai chữ “Tại thiên” (tại trời).

Liền phía bên trái chính điện là nhà trù có diện tích khoảng 50m2, được chia thành hai gian. Đây là nơi chuẩn bị các công tác hậu cần của cộng đồng địa phương trong các dịp lễ bái, sinh hoạt tín ngưỡng chung tại nhà thờ.


(Nhà trú)

Cách chính điện về phía bên phải khoảng 5m là miếu Thổ thần có diện tích khoảng 10m2, được xây bằng gạch, tô xi măng. Trên ban thờ có hai chữ Hán “Thổ thần”. Ban thờ được trang trí khá đơn giản, trước miếu có một bình phong nhỏ.

(Miếu Thổ thần)

Trước cổng tam quan (khoảng 3m) của nhà thờ có một miếu thờ nhỏ. Miếu này thờ vọng Tiêu Diện Đại sĩ (là vị thần chỉ huy các Cô hồn, Âm linh) hay còn gọi là Sĩ (Phách) Vương hay Tiêu Sĩ và phối thờ Thuỷ thần, Thổ công, vong hồn các chiến sỹ trận vong.

(Miếu thờ vọng Âm linh)

Vào lần trùng tu năm 1991, ngôi mộ của ngài Tiền hiền xã Thanh Khê được đưa từ khuôn viên phía đông đình làng Thanh Khê về tại phía sau Nhà thờ tập linh. Mộ có quy mô khá nhỏ, với một tường thấp bao quanh nấm, nấm hình chữ nhật xây xi măng, hậu đầu được trang trí đơn giản. Trong hậu đầu có một bia đá ghi “Tiền hiền Thanh Khê xã, Hồ Quý Công, sinh năm Ất Sửu (1685), tạ thế năm Kỷ Hợi”.

(Mộ phần ngài Tiền hiền)

Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê là trung tâm tín ngưỡng của nhân dân vạn chài Thanh Khê, là một cơ sở tín ngưỡng độc đáo trên địa bàn quận Thanh Khê. Hiện nay, di tích này được Ban nghi lễ của làng Thanh Khê bảo quản, chăm sóc.

Phòng VHTT

×