Đình Thanh Khê

Đọc bài viết 0:00

Từ tượng đài Mẹ Nhu, theo hướng đường Trần Cao Vân vào sâu độ 500 mét là đến đình Thanh Khê thuộc Phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê. Tọa lạc trên một thế đất cao, vững chãi, đình Thanh Khê xoay mặt về hướng Đông Bắc, được làm theo kiểu ba gian hai chái, tường xây gạch, mái lợp ngói xi măng.
Là một trong 28 đình làng được thành phố Đà Nẵng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố, đình Thanh Khê đã từng là trung tâm sinh hoạt văn hóa- tín ngưỡng của người dân làng Thanh Khê.

Đình Thanh Khê ra đời gắn với công cuộc khai làng lập ấp của người dân, từ lúc " Ngã tổ tôn Bắc địa tùng vương, Nam phương sáng nghiệp, hồng cư vĩnh điện yển dật chi mưu" ( Theo lệnh vua từ Bắc vào Nam mở mang bờ cõi lập nghiệp). Làng Thanh Khê xưa gồm có sáu xóm: Thanh Phong, Thanh Thị, Thanh Hòa, Thanh Minh, Thanh An, Thanh Thủy. Cái tên Thanh Khê được các bậc tiền nhân gọi từ khi đến đây khai canh, khai cư.

Thuở ban sơ, đình được xây dựng chỉ với các vật liệu đơn giản như tranh, tre, nứa, đến năm Đinh Mão(1807) đời vua Gia Long thì được xây dựng lại với các vật liệu vững chắc hơn. Từ đó đến nay, đình Thanh Khê đã qua nhiều lần thay đi, dựng lại, trùng tu vào các năm 1837, 1862, 1965 và lần cuối là năm 2004. Đình là nơi thờ thành hoàng làng, các vị thánh thần, tiền hiền, hậu hiền, những người có công với địa phương; đồng thời là nơi các bô lão hội họp, bàn giải quyết những việc trọng đại, tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian gắn liền với làng nghề truyền thống của làng.



Từ kiến trúc tổng thể…

Cũng như hầu hết các đình làng tại Đà Nẵng, mặt bằng tổng thể đình Thanh Khê bao gồm cổng ngõ, bình phong và nơi tế tự, sinh hoạt nghi lễ được bố cục theo nguyên tắc đơn tuyến. Từ ngoài vào trong các đơn nguyên kiến trúc theo thứ tự là cổng đình, đến tấm bình phong, đi qua một khoảng sân rộng mới vào công trình chính của đình làng. Tất cả đều nằm trên trục dũng đạo tạo thành một chiều sâu không gian và tăng thêm vẻ uy nghiêm của chốn linh thiêng.

Lối dẫn vào đình làng là cổng tam quan, được xây dựng theo kiểu thức vòm cuốn, trên trục cổng có đôi câu đối chữ Hán:
Phiên âm:

Phong cảnh quang huy ngũ sắc tường vân lục thánh điện
Bút hoa nhuận thái thiên thu túc vụ phúc dân linh

(Phong cảnh rực rỡ, mây lành ngũ sắc trên sáu điện thánh
Bút hoa tô điểm đẹp đẽ, nghĩ sức nghìn thu để che chở cho muôn đời)

Tiếp đến là bức bình phong đắp hổ, án ngữ giữa lối đi chính trên trục dũng đạo. Sự xuất hiện của bức bình phong ở vị trí này thể hiện sự tín ngưỡng tuyệt đối của người trần đối với thế giới thần linh. Bởi lẽ bước vào đây người ta buộc phải rẽ sang hai bên để bước tiếp nếu muốn vào chính điện. Mặt khác bình phong là màn ngăn cản những cái nhìn tò mò cũng như tà khí từ ngoài bay vào điện thờ. Hai bên bình phong là câu đối:

"Thanh sơn trần án xuân vô hạn
Khê thủy đáo đường phú hữu nguyên"

(Núi xanh chắn làm bức án, xuân vô hạn.
Nước từ khe suối chảy đến nhà, sự giàu có ắt phải có nguồn)

Phía sau bình phong là bàn thờ âm linh, thần Nông, Thổ địa. Bước qua khoảng sân rộng là nhà chính điện, với kết cấu kiến trúc cổ truyền là ngôi nhà rường ba gian hai chái. Ở phần hiên, phía trên mái có biển gạch đề " Thanh Khê đình", hai đầu có lầu chiêng lầu trống, mặt trước tô vẽ hình mai điểu, tùng lộc. Hai trụ giữa có câu đối:

"Lộ thông thanh hải linh phương hội
Mạch dẫn khê nguyên chúng thủy triều"

(Đường thông đến biển xanh là nơi hội tụ linh khí của khắp phương
Mạch nước dẫn từ nguồn suối có thể quy tụ thành thủy triều)

Bên trong đình có ba ban thờ, ban thờ chính giữa thờ Thành hoàng làng, có câu đối:

"Thánh đức anh linh cao tỉ khuyết
Thần uy lẫm liệt chấn nam thành"

(Đức thánh anh linh cao tựa cung khuyết
Cái uy của thần lẫm liệt làm chấn động thành Nam)

Hai ban thờ hai bên thờ Nhị đại tướng quân ( gọi là ông Lang, ông Lại) các vị có công với đất nước và các vị tiền hiền, hậu hiền. Phía trước ban thờ chính đặt hai dãy lỗ bộ.

Đến văn hóa tín ngưỡng

Theo lưu truyền trong dân gian, vị tiền hiền có công khai làng lập ấp tên là Hồ Văn Oai, quê ở Phước Châu, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ông vào Nam năm 1627, cùng với 3 người con trai là Hồ Văn Nơi, Hồ Văn Tri và Hồ Văn Ninh và chọn Thanh Khê là nơi dừng chân. Sau đó, người con thứ nhất và thứ ba vào Nam, riêng người con thứ hai là ngài Hồ Văn Tri ở lại. Hai cha con ngài Hồ Văn Tri và các thế hệ con cháu đã khai canh, khai cư, lập làng lập xóm.

Thanh Khê là một làng ven biển nên sinh hoạt kinh tế chủ yếu của hầu hết dân làng là đánh bắt cá và chế biến hải sản. Đời sống tâm linh của dân làng gắn với tín ngưỡng cá Ông. Ngoài nhà thờ nghề cá, làng Thanh Khê còn có Lăng Ông thờ cá voi. Hằng năm dân làng chài Thanh Khê thường tổ chức lễ cúng đầu năm là lễ Cầu ngư. Lễ cầu ngư được người dân ( ngư dân) tổ chức lớn và trang trọng. Trong lễ dân làng thường tổ chức rước mô hình ghe thuyền đánh cá được trưng bày ở nhà truyền thống nghề cá về đình Thanh Khê để làm lễ. Ngoài ra, đình còn có 2 lễ cúng lớn hằng năm, tập hợp đông đủ dân làng tham gia đóng góp tổ chức lễ cúng đầu năm mới (Lễ Thành khiến: vào 7h sáng ngày mùng một tết, cầu cho dân làng một năm mới an lành, làm ăn thịnh vượng, toàn gia hạnh phúc và lễ cầu an trong 2 ngày ( 9 và 10/7 AL)

Chính vì vậy, đình Thanh Khê mang đặc trưng của mái đình làng biển trở thành nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân làng, là chốn linh thiêng nơi nhân dân gửi gắm niềm tin và ước vọng vào thế giới siêu nhiên, về thế giới thanh bình " hòa cốc phong đăng" (thóc lúa được mùa) của người dân bao đời nay.

×