Đại biểu HĐND thành phố thảo luận tổ các vấn đề cử tri quan tâm

Đọc bài viết 0:00




Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 12-7, đại biểu HĐND thành phố tiến hành thảo luận tại tổ, nhằm đóng góp các ý kiến về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn quận Thanh Khê, thực hiện cải tạo cảnh quan vệ sinh môi trường, xây dựng thành phố thông minh và xã hội số, đảm bảo an sinh xã hội.






Tổ đại biểu Thanh Khê do Bí thư quận uỷ Lê Tùng Lâm chủ trì buổi làm việc

Tại tổ đại biểu số 2, việc thảo luận diễn ra với 10 ý kiến phát biểu tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế xã hội thành phố. Nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm về chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ có mức sống trung bình. Hiện các hộ có mức sống trung bình theo chuẩn của địa phương được quy định tại Nghị quyết 76 của HĐND thành phố vẫn chưa có chính sách tín dụng ưu đãi. Trong khi đó, kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 của UBND thành phố và Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Thành ủy đưa ra giải pháp hoàn thiện chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới trên địa bàn.
Đại biểu Đoàn Ngọc Chung cho rằng, thành phố cần triển khai chính sách hỗ trợ với các hộ có mức sống trung bình. Theo quy định mới thì có rất nhiều hộ khó khăn trên địa bàn thành phố nhưng có thu nhập cao hơn hộ nghèo, cận nghèo. Đa số các hộ này gặp khó khăn về y tế và học phí cho con cái, nên thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ có mức sống trung bình. Dự kiến trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố sẽ tham mưu chính sách cho vay theo mức hộ cận nghèo là tối đa 100 triệu với lãi suất ưu đãi 0,66%.
Theo đại biểu Bùi Văn Tiếng, mô hình chính quyền đô thị đang gặp nhiều vấn đề khó khăn ở cấp quận, phường, đặc biệt về tiến độ giải ngân và giải quyết các dự án do quận, phường thực hiện. Do đó, thành phố cần tăng số lượng kỳ họp HĐND thành phố mỗi quý một lần để kịp thời giải quyết các vấn đề trên địa bàn các quận, phường.
Đại biểu Bùi Văn Tiếng đánh giá cao việc tổ chức họp chuyên đề về phát triển không gian công cộng của thành phố, trong đó, triển khai đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29-3 thành một điểm nhấn du lịch. "Thành phố cần đầu tư để sớm triển khai dự án Công viên 29-3, với điểm nhấn là "chiếc nhẫn Hòa Bình" nằm trong tổng thể dự án."
Cũng theo đại biểu Bùi Văn Tiếng, thành phố cần quan tâm đến yếu tố bảo vệ chủ quyền biển đảo và có mức hỗ trợ phù hợp cho các cán bộ tham gia công tác bảo vệ chủ quyền quốc cả gia; đồng thời nâng mức hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, nâng số chuyến hỗ trợ từ 4 lên 6 chuyến tàu.

Đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung phát biểu

Theo đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung, tại quận Thanh Khê có một số dự án trọng điểm, trong đó có dự án Công viên 29-3. Tuy nhiên, nguồn lực thành phố hiện nay còn hạn chế. Thành ủy, HĐND thống nhất đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đồng thời thống nhất đưa dự án Công viên 29-3 vào danh mục chuẩn bị đầu tư.
Đối với chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền là rất hợp lý, cần thực hiện. Về hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân, đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung cho rằng cần đánh giá xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý, đảm bảo các nguồn lực của thành phố.
Về chế độ chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ các hộ có thu nhập trung bình, Ngân hàng Chính sách Xã hội cần xác định rõ nhu cầu cho vay cụ thể bao nhiêu. Về việc phân cấp, phân quyền trong triển khai mô hình chính quyền đô thị, đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung cho biết, HĐND thành phố đã thống nhất phân cấp cho các quận quyết định các chủ trương đầu tư.
Tại buổi làm việc đại biểu Nguyễn Đình Phúc đề xuất ý kiến thành phố cần có giải pháp để tăng nguồn thu cũng như cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất tại các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp. Song song với đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp... thành phố cần ban hành chính sách hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Đại biểu cũng cho biết, hiện nhiều địa phương triển khai xây dựng xã hội số rất mạnh, thông qua các ứng dụng, tuy nhiên tại Đà Nẵng vẫn chưa triển khai nhiều.

 Đại biểu Nguyễn Đình Phúc nêu ý kiến 

Trả lời vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Thanh cho rằng, việc xây dựng dữ liệu để xây dựng thành phố thông minh và xã hội số cần đảm bảo 3 vấn đề: hạ tầng, kết nối và ứng dụng. Cuối năm 2022, thành phố sẽ triển khai thực hiện Trung tâm điều hành thành phố thông minh.
Về việc chia sẻ dữ liệu, đại biểu Nguyễn Quang Thanh cho biết, thành phố đã xây dựng quy chế chia sẻ dữ liệu vào năm 2020, hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang xây dựng quy chế mới và các ngành đang xây dựng các cơ sở dữ liệu, đặc biệt đất đai, hộ tịch... Vấn đề hiện nay là việc tiếp cận các dữ liệu này để hình thành dữ liệu chung cho thành phố.

Theo Danang.gov.vn https://www.danang.gov.vn/ca/chinh-quyen/chi-tiet?_c=3&id=49352


×