Nhìn lại 93 năm Đảng bộ thành phố Đà Nẵng thành lập (28/3/1930 - 28/3/2023)

Đọc bài viết 0:00

Dưới thời Pháp thuộc, Pháp đặt Đà Nẵng thành đất “nhượng địa” để trực tiếp cai quản. Vì vậy, Đà Nẵng trở thành một đô thị sầm uất bật nhất Trung kỳ, là một cửa ngõ quan trọng trong việc tiếp nhận sách, báo tiến bộ, tân thư… từ thế giới bên ngoài vào Đà Nẵng, rồi tỏa đi khắp Trung kỳ. Cũng chính nơi đây, nhiều người con Đà Nẵng và Quảng Nam đã xuất dương du học, tỏa ra các nước để học hỏi những trào lưu tiến bộ của thế giới, nhất là tư tưởng yêu nước, cách mạng do Nguyễn Ái Quốc truyền bá, để về nhen nhóm những ngọn lửa cách mạng đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng và Trung kỳ nói chung.

Từ năm 1917-1918, số học sinh Quảng Nam và Đà Nẵng ra học tại Huế đã cùng nhau tổ chức ra “Nhà Hội Quảng Nam” với mục đích đoàn kết, tương thân, tương ái, tạo điều kiện giúp đỡ về ăn ở và học hành, đã nhanh chóng thu hút hầu hết học sinh người Quảng Nam học tập ở Huế như: Đỗ Phiên, Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Đỗ Quang, Lê Quang Sung, Thái Thị Bôi, Đỗ Quỳ, Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên… đây là thế hệ thanh niên xứ Quảng có tư tưởng cách mạng đầu tiên trên đất Huế. Học sinh ở Nhà hội Quảng Nam đã được tiếp xúc nhiều sách báo tiến bộ, khơi gợi tinh thần yêu nước, thân phận phận nô lệ, đọa đày trong tâm khảm của những người học sinh yêu nước tại đây.

Tháng 4/1927, ở Huế nổ ra một cuộc bãi khóa lớn. Nhà Hội Quảng Nam biến thành trung tâm lãnh đạo bãi khóa. Số anh em ở nhà hội bỏ học, phân tán đi khắp nơi, có số gia nhập các tổ chức cách mạng. Chính trong thời điểm này, Đỗ Quang - Phái viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên kịp thời gặp gỡ số học sinh bãi khóa, vận động thành lập Ban vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam gồm các đồng chí: Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Phan Long, Thái Thị Bôi. Hầu hết số học sinh này đã xác định được cho mình tinh thần: Trước hết là làm quốc gia cách mạng, sau là làm thế giới cách mạng. Như vậy, từ lòng yêu nước thiết tha, các học sinh, sinh viên xứ Quảng nhanh chóng tiếp thu dễ tinh thần cách mạng vô sản thông qua tổ chức Hội Việt Nam thanh niên cách mạng. Đây là bước chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam tại Quảng Nam và Đà Nẵng sau này.

Tháng 6/1927, các đồng chí Đỗ Quang, Lê Văn Hiến muợn nhà ông Hội đồng Tùng, còn gọi là trường Cự Tùng, để giáo dục, xây dựng lực lượng và làm cơ quan liên lạc. Tháng 9/1927, chi bộ đầu tiên của Hội Thanh niên cách mạng đồng chí ở Đà Nẵng được thành lập, gồm các đồng chí: Đỗ Quang (Bí thư), Lê Quang Sung (tức Lê Hoành), Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến, Huỳnh Thị Thuyền, sau bổ sung thêm các đồng chí Đỗ Quỳ và Nguyễn Long. Về sau phát triển thêm các đồng chí Nguyễn Văn Tý, Phạm Thị Cảnh, Phạm Thị Kỳ…

Sau khi chi bộ đầu tiên được thành lập một thời gian ngắn, đồng chí Đỗ Quang đẩy mạnh công tác tổ chức tuyên truyền, lập thêm hai chi bộ nữa: một ở Đà Nẵng, một ở Hội An. Chi bộ thứ hai ở Đà Nẵng do đồng chí Nguyễn Tường phụ trách. Còn chi bộ ở Hội An gồm có các đồng chí: Phan Văn Định (Bí thư), Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh), Nguyễn Thái, Lê Uýnh, Trần Văn Tăng... và một số đồng chí khác. Khi Đà Nẵng phát triển thêm được một chi bộ thứ 3 thì đầu năm 1928, anh Đỗ Quang triệu tập hội nghị thành lập Hội Việt Nam cách mạng thành niên tỉnh. Cuộc họp được tổ chức tại một địa điểm bí mật trên bãi cát Trường Lệ (Hội An). Hội nghị bầu Tỉnh ủy đầu tiên của Hội Thanh niên cách mạng đồng chí gồm các đồng chí: Đỗ Quang (Bí thư), Trần Văn Tăng, Phan Thêm, Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi. Hội nghị còn cử đồng chí Lê Văn Hiến làm đại biểu của tỉnh đi dự hội nghị Kỳ bộ mở rộng tại Đà Nẵng.

Sự ra đời của các chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Đà Nẵng đã trở thành ngọn lửa mới soi sáng cho thế hệ thanh niên yêu nước đang khao khát tìm hiểu về cách mạng vô sản lúc bấy giờ tại “nhượng địa Tourane”. Từ năm 1927, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra chỉ thị rút người, đưa ra học tập ở nước ngoài. Lớp đầu tiên, địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng cử đồng chí Đỗ Quang sang học. Sau khi được Nguyễn Ái Quốc truyền đạt các phương thức hoạt động cách mạng, mấy tháng sau, số các đồng chí trên trở về Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cách mạng theo Đường Kách Mệnh cho số anh em tại Quảng Nam và Đà Nẵng.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hội Việt Nam thanh niên cách mạng ở Đà Nẵng đã quyết định in cuốn Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc, tại xóm Giếng Bộng để làm tài liệu tuyên truyền cách mạng, vạch rõ con đường của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, công nông là gốc của cách mạng. Muốn làm cách mạng phải biết đoàn kết quốc tế, chỉ rõ tầm quan trọng của phương pháp cách mạng, trước hết phải có Đảng cách mạng vững vàng tay lái mới thành công. Đảng cách mạng muốn vững phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt, lấy tư cách người cách mạng làm trọng.Điều đáng nói là, trong điều kiện bị thực dân Pháp đàn áp, mật thám Pháp theo dõi gắt gao song với tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, những người cộng sản đầu tiên của Đà Nẵng đã bất chấp nguy hiểm, in và nhân bản để và phát hành rộng rãi đến nhiều người, thậm chí gửi đến nhiều địa phương trong khắp Trung kỳ.

Tháng 9/1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, Đảng quyết định đưa những hội viên, phần lớn là học sinh, trí thức đi vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng lao động với công nhân để tự rèn luyện bản thân thành những cán bộ cách mạng chân chính, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào công nhân, giúp giai cấp công nhân rút ngắn quá trình đấu tranh tự phát, sớm nhận ra vai trò lịch sử của mình. Từ chủ trương này, nhiều đảng viên do Xứ ủy Trung kỳ cử vào hoạt động tại Đà Nẵng như: Phan Văn Định, Hà Văn Tính, Nguyễn Đức Thiệu, Hoàng Thị Ái, Hồ Sĩ Thiều… Số những đồng chí này cùng với các đồng chí đảng viên quê Quảng Nam và Đà Nẵng như: Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Võ Nghiêm, Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh), Huỳnh Lắm, Trần Thị Dư, Trần Kim Bảng, Đoàn Xuân Trinh, Trịnh Quang Xuân, Nguyễn Thiều (tức Trác), Trần Học Giới, Lê Tuất… đã tích cực hoạt động, làm cho phong trào cách mạng tại Đà Nẵng và Quảng Nam phát triển một cách mạnh mẽ. Đến tháng 5/1929, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Nam - Đà Nẵng lên 50 người. Vì những lẽ đó, Đà Nẵng dần xuất hiện 3 tổ chức cách mạng là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Sự ra đời của các tổ chức đảng phản ảnh xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam, tạo nên một bước phát triển nhảy vọt về chất, kết hợp phong trào công nhân và phong trào yêu nước thành một làn sóng dân tộc và dân chủ mạnh mẽ tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước ta thời bấy giờ.

Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc. Dự hội nghị có hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh; hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu. Do chưa nhận được tin Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới thành lập, nên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không triệu tập tổ chức này dự Hội nghị. Như vậy, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam; sau đó Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được phân công đặc trách Xứ ủy Trung kỳ. Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc với phong trào yêu nước và phong trào công nhân.

Ngày 28/3/1930, tại bãi cát Trường Lệ thuộc thành phố Hội An hiện nay, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thông báo sự hợp nhất 3 tổ chức cộng sản do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và đề nghị Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, bao gồm thành phố Đà Nẵng,đánh dấumột mốc lịch sử của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh dân tộc, dân chủ theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

TK

×