Họp, bàn, trao đổi công tác triển khai hoạt động du lịch trong quý IV năm 2023 và năm 2024

Đọc bài viết 0:00

Nhằm đánh giá công tác triển khai hoạt động du lịch, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và Quận Thanh Khê đã phối hợp tổ chức buổi họp bàn, trao đổi công tác triển khai hoạt động du lịch trên địa bàn quận trong quý IV/2023 và năm 2024. Về phía thành phố, thành phần tham dự gồm: đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Thành ủy; Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng; Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố; Sở Giao thông Vận tải; Sở Tài Chính; Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nội vụ.
Về phía quận Thanh Khê có đồng chí Lê Tùng Lâm, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy; đồng chí Hồ Thuyên, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; đồng chí Nguyễn Hữu Công, Quận ủy viên, Phó chủ tịch UBND quận; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Quận ủy; Văn phòng UBND quận; Công an quận; phòng: Văn hóa và Thông tin, Kinh tế, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Quản lý Đô thị, Tài chính - Kế hoạch; Trung tâm Văn hóa - Thể thao; Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận; chủ tịch UBND các phường.
Qua báo cáo cũng như ý kiến phát biểu tại Hội nghị, nhiều bất cập, khó khăn trong công tác triển khai hoạt động du lịch trên địa bàn quận tại Kết luận số 123-KL/TU ngày 26/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển quận Thanh Khê đến năm 2030 được chỉ ra, cụ thể:

* Về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật:
- Quy hoạch, phát triển đô thị, các dự án trên địa bàn quận vẫn chậm triển khai, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch vẫn còn thiếu, chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ nên chưa góp phần thay đổi diện mạo phát triển du lịch trên địa bàn quận.
- Kết cấu hạ tầng và các tiện ích công cộng trên tuyến Nguyễn Tất Thành hiện vẫn hạn chế, đang được đầu tư và chưa hoàn thiện. Chiều rộng của các bãi cát dọc bờ biển rất hẹp, không thuận lợi để tạo thành bãi tắm cho khách du lịch.
- Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn quận tập trung chủ yếu trên tuyến Nguyễn Tất Thành và đa số có quy mô nhỏ (từ 20 phòng trở xuống). Tuy nhiên, vấn đề tham mưu định hướng xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có quy mô lớn tại khu vực này thiếu tính khả thi vì: tuyến đường Nguyễn Tất Thành trên địa bàn quận nằm trong phạm vi khống chế tĩnh không, các lô đất trống trên tuyến này trước đây thành phố bố trí tái định cư theo hướng quy hoạch phân lô, hiện đều đã có chủ sở hữu và thuộc nhiều chủ khác nhau, nhỏ lẻ. Vì vậy việc đầu tư, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn có quy mô lớn là rất khó.
- Hạ tầng cơ sở tại các di tích chưa đáp ứng để phát triển du lịch như: đường vào các di tích quá nhỏ, không có bãi đậu đỗ xe; một số hạng mục tại các di tích cấp quốc gia bị hư hỏng, xuống cấp cần được đầu tư, tôn tạo.
* Về nguồn nhân lực phục vụ du lịch
- Nguồn nhân lực tại các cơ quan nhà nước (quận, phường): cán bộ phụ trách phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc và đa số không có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực du lịch nên việc tham mưu còn nhiều hạn chế, thiếu tập trung và chuyên sâu.
- Nguồn nhân lực tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch: do các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô nhỏ nên người lao động tại các cơ sở này thường hay biến động, thay đổi, kỹ năng, nghiệp vụ cũng còn hạn chế.
* Về sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch
- Các trung tâm thương mại, siêu thị, tuyến phố chuyên doanh, phố đêm, chợ truyền thống vẫn chưa tạo động lực cho phát triển du lịch.
- Các nhóm ngành dịch vụ du lịch phát triển đa dạng nhưng chưa đồng đều ở các lĩnh vực; các loại hình kinh doanh hiện đại chưa nhiều; dịch vụ giải trí về đêm lại vẫn chưa được xem trọng, đầu tư.
- Nguồn lực đầu tư phát triển du lịch và kinh tế đêm còn hạn chế, rời rạc, mang tính tự phát, chất lượng chưa được quan tâm; sản phẩm và các dịch vụ còn thiếu hấp dẫn, chưa tạo sự khác biệt; các loại hình dịch vụ du lịch thể thao, vui chơi giải trí, lưu trú, nhà hàng ăn uống ẩm thực phát triển thiếu đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu, các điểm đến du lịch chưa hấp dẫn để thu hút du khách đến lưu trú dài ngày tham quan, vui chơi, giải trí.
Thời gian đến, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, quận Thanh Khê chủ động kiến nghị, đề xuất cơ chế, cách thức phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố trong hoạt động du lịch, như sau:

  1. Tham mưu UBND thành phố sớm ban hành Kế hoạch thí điểm tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch tại một số bãi biển dọc 02 tuyến biển Nguyễn Tất Thành

  2. Đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng Đề án phát triển dịch vụ du lịch trên bãi biển thuộc tuyến biển Nguyễn Tất Thành như: rừng phòng hộ, vỉa hè, bãi tắm công cộng Thanh Khê; phát triển kinh tế đêm dọc tuyến biển Nguyễn Tất Thành.

  3. Kiến nghị UBND thành phố sớm phê duyệt chủ trương đầu tư công trình Cải tạo cảnh quan kiến trúc khu vực hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung; kênh Phần Lăng.

  4. Sớm xây dựng khởi công xây dựng Công viên 29-3.

  5. Sớm nâng cấp trùng tu, tôn tạo cảnh quan 2 di tích : Đình làng Thạc Gián và khu di tích Mẹ Nhu và 07 Dũng sĩ Thanh Khê.

  6. Lập các dự án phát triển kiến trúc cảnh quan 02 bên sông Phú Lộc, kết hợp thực hiện dự án xây đập ngăn để giữ, điều tiết nguồn nước tại Kênh Phú Lộc.

  7. Triển khai các dự án tái thiết đô thị, trong đó kết hợp các khu vực dịch vụ thương mại để quảng bá các sản phẩm du lịch, sản phẩm của địa phương (như dự án quy hoạch tái thiết đô thị khu vực chợ Hải sản phường Thanh Khê Đông,…).

  8. Đề nghị Hiệp hội du lịch thành phố quan tâm giới thiệu các tour du lịch quảng bá về lễ hội Cầu ngư, đình làng Thạc Gián và sản phẩm hợp tác xã Mây tre - An Khê trên địa bàn quận đối với du khách đến Đà Nẵng.


Việt Nga

×