Kết quả triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn quận năm 2022; kiến nghị, đề xuất nhiệm vụ kế hoạch, giải pháp thực hiện trong năm 2023

Đọc bài viết 0:00

Có thể nói trong 5 năm vừa qua, với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương toàn quận, đặc biệt là sự gắn kết triển khai các nhiệm vụ trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nói riêng và chuyển đổi số nói chung giữa Văn phòng UBND quận, Phòng Nội vụ và Phòng Văn hóa và Thông tin quận đã góp phần tạo nên thành tích 5 năm dẫn đầu thành phố về các chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số.
Thanh Khê nhận thức rõ rằng, Chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính là Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, là quá trình thay đổi kiến trúc thực thi và hành động từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân; Ngay từ đầu năm 2022, chúng ta đã tổ chức Buổi tọa đàm “Chính quyền số - các vấn đề và giải quyết”, từ buổi tọa đàm chúng ta xác định rõ muốn thành công trong công cuộc chuyển đổi số cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân, chúng ta phải phát huy thành tựu mà chúng ta đã xây dựng chính quyền điện tử trong những năm qua và tranh thủ vào nguồn lực của xã hội, từ các chuyên gia, các doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số.
Toàn cảnh công tác Chuyển đổi số năm 2022 đã chỉ ra kết quả triển khai đồng bộ từ đầu năm đến nay về Hạ tầng, truyền thông, Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số, bước đầu chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; đặc biệt là việc phát huy các thành quả của xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số trong thời gian qua, như:
- Triển khai đa dạng các giải pháp, hình thức tổ chức tuyên truyền chuyển đổi số thông qua các giải pháp mới, sáng tạo, đi đầu thành phố như đồng loạt phối hợp với Trung tâm Dịch vụ công thành phố (1022) tổ chức các Hội nghị tuyên truyền từ quận đến phường, phối hợp với quận đoàn triển khai hướng dẫn đăng ký tài khoản công dân điện tử, nộp hồ sơ điện tử trên cổng dịch vụ công thành phố (xã hội số), phối hợp với Liên đoàn lao động quận triển khai giới thiệu về kinh tế số, đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp đến các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận,… đồng thời triển khai hướng dẫn, giải pháp tuyên truyền thông qua xây dựng Kênh chính quyền điện tử trên zalo, phát hành các tờ rơi tuyên truyền và ban hành Sổ tay chuyển đổi số cấp quận,…
- Triển khai đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến đưa quận chúng ta tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về triển khai các giải pháp thanh toán trực tuyến và bưu chính công ích theo Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ: tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn quận tính đến 01/12/2022 đạt tỉ lệ 91% (vượt xa chỉ tiêu 65% theo yêu cầu của thành phố); xây dựng thành công Bộ nhận dạng thương hiệu và nâng cấp 1 cửa của quận đáp ứng trong giai đoạn mới.

- Kết thúc năm 2022, Thanh Khê trở thành đơn vị đầu tiên khối quận huyện đã đưa được 100% các cơ quan đơn vị thuộc quận từ các ban xây dựng Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội quận, các phòng ban chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp (kể cả 36 trường công lập trên địa bàn) và UBND 10 phường đã tham gia vào quy trình luân chuyển văn bản điện tử trên hệ thống thành phố; qua đó hoàn thiện văn phòng không giấy và đảm bảo luân chuyển văn bản điện tử theo yêu cầu mới.
- Các nhiệm vụ triển khai trên lĩnh vực Kinh tế số dần đạt được những kết quả như: đưa được 06 sản phẩm OCOP lên sàn thương mai điện tử (trong đó Hợp tác xã Mây Tre An Khê đang được hướng dẫn thủ tục đăng ký sàn thương mại điện tử Quốc tế); Trung tâm giám sát thông minh, hệ thống phân tích dữ liệu và mô phỏng về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các hoạt động của đô thị phục vụ dự báo, chỉ đạo, điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu từ thành phố phân tích hiện đã được thành phố thông qua Đề án và phương án triển khai, đang xây dựng tại tầng 1 khối nhà Văn phòng, trung tâm hành chính quận; nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai thí điểm các tuyến phố chuyên doanh, các chợ thanh toán không tiền mặt như tuyến phố áo quần đường Lê Duẩn của Tân Chính, tuyến phố hoa cây cảnh của phường An Khê,… Trong năm đã phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ quận và Công ty Cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (Momo) phối hợp tổ chức Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quận Thanh Khê 2022.
- Đối với Xã hội số, nhiều chương trình tiếp cận với tài khoản công dân số được triển khai từ quận đến phường; Theo hướng dẫn của Sở Thông tin truyền thông thành phố đã ban hành quyết định thành lập được 556 Tổ công nghệ số cộng đồng, qua đó triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn tiếp cận các ứng dụng của thành phố, tiếp cận thông tin từ các Kênh thông tin chính quyền điện tử trên zalo…
Năm 2023, năm xác định Chuyển đổi số là trọng tâm, Thanh Khê xác định một số nhiệm vụ cụ thể gồm:

  1. Tiếp tục bám sát thực hiện theo Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2021 của UBND thành phố về việc ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 2326/KH-UBND về chi tiết Chuyển đổi số của quận.

  2. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương toàn quận có đánh giá cụ thể kết quả triển khai chuyển đổi số ngay tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; đặc biệt là rà soát lại các chỉ tiêu quận và bộ ngành dọc giao về chuyển đổi số; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan, các đơn vị hợp tác trong chuyển đổi số như FPT tổng rà soát lại cả hạ tầng, các ứng dụng sẵn có, các định hướng chiến lược của thành phố, ngành dọc để có cái nhìn tổng thể; từ đó đề ra các chương trình, ứng dụng, giải pháp gần với nhu cầu, thực tế và định hướng sắp tới của quận.

  3. Tiếp tục phát huy sự gắn kết giữa Cải cách hành chính, văn thư lưu trữ và công nghệ thông tin, bám sát các chỉ tiêu, bộ chỉ số chuyên ngành từng lĩnh vực; đồng thời ban hành bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá xếp hạng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên bàn quận trong năm 2023.


Phòng Văn hóa và Thông tin

×